TẠI SAO NÊN CHỌN TOUR DU THUYỀN SÔNG MÃ KHI VỀ XỨ THANH

1. LÀ TUYẾN DU LỊCH ĐƯỜNG THỦY ĐẦU TIÊN TẠI THANH HÓA

Du thuyền sông Mã

 

Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến dòng sông Mã hào hùng, là nơi khởi phát của những huyền thoại và lịch sử của mảnh đất Thanh Hóa. Dù không hiền hòa, thơ mộng như sông Hương, không náo nhiệt, tráng lệ như sông Hàn, sông Mã giữ riêng một nét đẹp hùng vĩ và sâu lắng.

Sông Mã là hệ thống sông lớn thứ hai ở miền Bắc (sau sông Hồng) và lớn thứ tư ở Việt Nam (sau sông Mê Kông, sông Hồng và sông Đồng Nai). Sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Bon Kho thuộc huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua nhiều huyện thuộc Sơn La, Hủa Phăn (Lào), Hòa Bình, Thanh Hóa rồi đổ ra biển ở thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sông Mã có tổng chiều dài 512km, trong đó đoạn chảy qua tỉnh Thanh Hoá dài 270km. Sử cũ gọi sông Mã là sông Lỗi Giang; ngoài ra còn có nhiều tên gọi khác như sông Tất Mã, Lễ, Định Minh, Nguyệt Thường, Hội Thường…

Trước kia, dòng sông là kế sinh nhai của người dân sống dọc hai bên bờ bằng các nghề chài lưới, trồng trọt… Hầu hết các vùng đất này do vị trí thuận lợi đã xuất hiện sớm các khu dân cư, các chợ làng nằm sát ven sông Mã (trên bến, dưới thuyền), thời xa xưa là những tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hoá chủ yếu ở xứ Thanh như: thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa), chợ Phong Ý (xã Cẩm Phong, Cẩm Thủy), chợ Dương Xá (Đông Sơn), chợ Sét (Yên Định)… Hiện nay, nơi đây đã trở thành điểm đến cho các tuyến du hành sông nước thú vị.

2. LÀ DÒNG SÔNG MANG ĐẬM DẤU ẤN LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC TA

Dòng sông hồn cốt xứ Thanh

Sông Mã là nơi tìm thấy dấu vết tồn tại người nguyên thủy ở núi Nuông, núi Quan Yên (Yên Định), núi Nổ (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc). Trống đồng – Biểu tượng, “mặt trời” rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn cũng được tìm thấy tại ngôi làng cổ ven bờ sông Mã. Nhà bác học Nga nổi tiếng R.Yuvipperơ đã nhận định: “Từ buổi ban đầu của thời đại đồ Đá cũ, châu Âu cổ đại đã phải quay mặt về phương đông”. GS Sử học Phạm Huy Thông viết: “Người Việt cổ đã có thời làm chủ một cuộc sống huy hoàng với văn hóa Đông Sơn, với các vua Hùng. Di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã chứng tỏ tài năng xuất chúng về phát minh và đúc trống đồng văn minh hơn Âu Châu ngang thời của người Việt cổ”.

Không chỉ là nơi lưu dấu vết thời Tiền sử – Sơ sử, sông Mã ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại, oai hùng suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bao bom đạn đã chìm sâu vào lòng sông, cùng với đó là bao máu đào nhuộm sắc, bao cuộc đời hy sinh, bao tuổi xuân nằm lại bên dòng sông ấy. Hàm Rồng – sông Mã đã trở thành huyền thoại, nơi ghi dấu bao chiến công oai hùng của một thời kiên cường, anh dũng chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân.

Ngược xuôi sông Mã, trên hành trình lịch sử – văn hóa – tâm linh ấy, mỗi người sẽ không khỏi thích thú, hào hứng khi rảo bước ghé thăm, vãn cảnh, dâng hương tại những ngôi đền, chùa, miếu, phủ linh thiêng.

Sông Mã – con sông của lịch sử- văn hóa, tín ngưỡng – tâm linh ấy đã trở thành mạch nguồn cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung làm nên tác phẩm ấn tượng, chạm đến cảm xúc, rung động trái tim độc giả nhiều thế hệ: “Hỏi sông ngàn năm tuổi/ ai mang hồn quê ra biển/ ai mang khát vọng cha ông vượt ghềnh thác lên nguồn/ ba mươi sáu bến thương, mười hai bến nhớ là đâu?”… Chẳng thể thống kê hết trên dọc dài hành trình sông Mã khi từ phía thâm u thượng ngàn đến khi xuôi về tình tự trong lòng TP Thanh Hóa trước khi đổ ra biển có bao nhiêu ngôi chùa, đền, miếu, phủ… Nhưng có lẽ, mỗi một vùng đất, địa phương mà sông Mã đi qua đều ghi dấu ấn của những cơ sở thờ tự, tín ngưỡng – tâm linh như thế. Ở mỗi chặng hành trình, sông Mã kiến tạo nên bờ bãi xanh tươi, xóm làng trù phú. Để rồi, lớp lớp thế hệ cháu con của làng, xã đã cùng chung tay góp sức, bằng tâm huyết, trí tuệ, sức sáng tạo của mình mà dệt nên bức tranh kinh tế, văn hóa – xã hội độc đáo, hòa vào dòng sông.

3. ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP TRÊN TÀU VÀ THƯỞNG NGOẠN VẺ ĐẸP CỦA DÒNG SÔNG

TOUR “NGƯỢC XUÔI SÔNG MÃ I” - LỊCH TRÌNH CHI TIẾT 2020 -

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH SÔNG MÃ - Đường thủy Thanh Hóa

 

Phương tiện đưa du khách tham quan là tàu. Tàu vừa là nhà hàng, có sân khấu xem văn nghệ, có tàu chia thành các khoang riêng được trang bị tiện nghi tốt. Điểm xuất phát của chuyến đi nằm ở bến tàu Hoàng Long trên sông Mã, nằm ngay dưới chân cầu Hoàng Long, cách cầu 200m về phía hạ lưu. Sau khi rời bến, du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên du lịch phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn trong suốt quá trình di chuyển, đồng thời được nghe giới thiệu về cầu Hàm Rồng lịch sử, về sông Mã anh hùng.

Từ trên du thuyền, du khách có thể quan sát được sự mênh mông, hùng vĩ và dài rộng của sông Mã và phong cảnh hai bên bờ. Du khách sẽ được vãn cảnh chùa Sùng Nghiêm đền nghè Yên Vực, thuộc làng Yên Vực, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa; hay Phủ Vàng nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh ở núi Chùa, làng Vàng, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa.

Tiếp đó, tàu sẽ chạy qua ngã ba Đầu nơi sông Chu và sông Mã hợp lưu, tiến gần đến ngã ba Bông. Đến đây, du khách sẽ rời tàu, lên bờ để dâng hương đền Cô Bơ, còn gọi là Mẫu Thoải Phủ, trong tục thờ mẫu Tam Phủ của Việt Nam. Năm 1996, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền cô Bơ Bông nằm tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, gần ngã ba Bông bến Đò Lèn. Đền cô Bơ Bông nổi tiếng với danh xưng “trên bến dưới thuyền” và là nơi tập trung sinh sống, buôn bán của nhiều người dân. Ngoài ra, nơi này cùng với đền cô Tám đồi Chè cách đó không xa cũng là điểm tâm linh thu hút du khách tới tham quan và xin lộc trong những dịp lễ tết.

Sau khi rời đền cô Bơ, du thuyền bắt đầu xuôi dòng trở về bến Hoàng Long. Khoảng thời gian này du khách sẽ có dịp được thưởng thức những món ăn đậm chất xứ Thanh như tôm sông, cá sông, rau má, cá quả kho tộ, dắt xào xúc bánh đa, nem chua… Khoảng 18h30, thuyền cập bến Hoàng Long và kết thúc chuyến hành trình Ngược xuôi sông Mã.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0943396374